Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật kế toán: Những điều vô lý

Quản lý chặt chẽ về chất lượng dịch vụ kế toán là rất cần thiết. Song, không thể chứng minh được rằng, những điều kiện rất vô lý, đi ngược lại xu thế của cải cách hành chính được quy định trong dự thảo Luật sẽ có tác động nâng cao chất lượng của dịch vụ kế toán.

Bản thân chứng chỉ hành nghề đã là một “giấy phép con”, nhưng để được “hành nghề” lại phải xin cấp giấy chứng nhận hành nghề?
CôngThương - Quy định “Phần vốn góp của người có chứng chỉ hành nghề kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp là không khả thi. Chẳng hạn, một công ty TNHH có 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên có chứng chỉ hành nghề kế toán, có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, thì 3 thành viên có chứng chỉ hành nghề phải góp ít nhất 505 triệu đồng. Rất ít người có chứng chỉ hành nghề có đủ số tiền theo yêu cầu trên để góp vốn.
Quy định phần vốn góp của các thành viên là tổ chức không quá 35% vốn điều lệ của công ty dựa trên cơ sở nào? Theo Biểu cam kết về dịch vụ đính kèm Hiệp định gia nhập WTO của Việt Nam, lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán không bị bất kỳ hạn chế nào. Vậy, quy định trên có vi phạm cam kết với WTO?
Theo quy định của Luật Kế toán hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán chỉ cần có hai người có chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề với Hội Kế toán- kiểm toán Việt Nam (VAA). Song, theo dự thảo Luật, doanh nghiệp phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán với quy định về hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư; bản sao giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán của các kế toán viên hành nghề; hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian của các kế toán viên hành nghề; tài liệu chứng minh về vốn góp đối với công ty TNHH; các giấy tờ khác do Bộ Tài chính quy định.

Theo quy định của Luật Kế toán hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán chỉ cần hai người có chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề với Hội Kế toán- kiểm toán Việt Nam

Như vậy, có hai giấy phép con xuất hiện là: Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán của các kế toán viên hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Điều ngạc nhiên lớn nhất là những người đã đủ những tiêu chuẩn khá cao và có tới 5 năm làm kế toán, phải qua một kỳ thi quốc gia mới có thể lấy được chứng chỉ hành nghề kế toán. Bản thân chứng chỉ hành nghề đã là một “giấy phép con”. Nhưng để được “hành nghề” lại phải xin cấp giấy chứng nhận hành nghề? Phải chăng, giấy chứng nhận hành nghề lại có giá trị pháp lý cao hơn chứng chỉ hành nghề? Và, có một giấy phép con mới chồng lên giấy phép con cũ?...
Dịch vụ kế toán là thị trường còn rất non trẻ ở nước ta. Số doanh nghiệp và kế toán viên đăng ký hành nghề với VAA còn rất ít. Số liệu của Ban quản lý hành nghề thuộc VAA cho biết, đến năm 2013, chỉ có 82 doanh nghiệp và 190 kế toán viên đăng ký hành nghề.
Các doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoạt động hợp pháp đã và đang phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt và không cân sức với lực lượng làm dịch vụ kế toán bất hợp pháp (không có chứng chỉ hành nghề, không đăng ký hành nghề), bao gồm các kế toán viên đã về nghỉ hưu, các nhóm dịch vụ kế toán tự do với sự “hỗ trợ” của cán bộ thuế (còn gọi là kế toán “chạy sô”), hoạt động dịch vụ kế toán của các công ty kiểm toán độc lập và các doanh nghiệp tư vấn thuế.
Trong bối cảnh trên, với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp dịch vụ kế toán tồn tại và hoạt động, có những biện pháp hạn chế hoạt động của lực lượng “kế toán chạy sô”, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hành nghề với VAA để có thể quản lý về chất lượng dịch vụ.

Thành lập doanh nghiệp,thành lập công ty, dịch vụ kế toán